Chúng ta chẳng bao giờ tiến xa, vì chúng ta chưa học được cách tôn trọng những thứ mình không hiểu

Từ hồi học cấp 2 cho đến khi lên tận Đại Học, tôi đã nổi tiếng vì…học dốt các bộ môn cần phải tính toán.

Lắm lúc tôi chỉ muốn tung hê tất cả, châm lửa đốt sạch đống tài liệu hay thậm chí đứng lên giữa lớp học để hét lên: “Cái quần què gì đang được dạy ở đây vậy hả!?!”.

Nhưng cuối cùng, hành động tạm gọi có tính “nổi loạn” nhất tôi từng làm, chỉ là bỏ trắng hoàn toàn bài kiểm tra 1 tiết môn Toán; hay lần ngồi trên tàu hỏa cố gắng nhồi nhét đống công thức tính lương cho doanh nghiệp tư nhân một cách tuyệt vọng để kịp bài thi cuối kì, đến khi stress muốn nổ não, cuốn sách Tiền Lương Tiền Công bay thẳng ra khỏi cửa sổ, đáp trên một bãi cát mịn màng nào đó tại Quy Nhơn…

…….

Tôi vốn chả giỏi kiềm chế bao giờ.

Đầy lần tôi càm ràm, những thứ đó học để làm gì, trong khi cuối cùng 90% kiến thức Toán – Lý – Hóa – Sinh, sau này chỉ dùng để tính tiền khi đi chợ hoặc giải bài tập về nhà hộ cho con. Nhưng càng lớn, tôi càng hiểu vốn dĩ khoa học không dành cho tất cả mọi người, vấn đề là quyền bình đẳng đòi hỏi mọi người trong lứa tuổi học tập được tiếp cận một lượng kiến thức ngang bằng nhau, những ai có thể hấp thụ sẽ trở thành 10% có thể cống hiến gì đó ngược lại cho khoa học; còn những kẻ vô duyên như tôi, dù đã mất thời gian cho một thứ bản thân không thể thấm nổi, nhưng ít ra nó không vô ích, nó giúp tôi biết được điểm yếu của mình là gì.

Nhưng giờ hỏi tôi có “thiện cảm” với mấy thứ đó hơn chưa ư? Haha, không! Thậm chí tôi còn hơi “ghét” người nào học giỏi mấy bộ môn ấy nữa kìa…

Tôi vốn chỉ thích Vật Lý, Thiên Văn Học và tí chút về Cổ Sinh Vật Học và Di Truyền, thích vừa đủ để lần mò mấy cuốn sách về đọc. Nó giống một kiểu thú vui giải trí giúp làm mở mang đầu óc hơn là nghiên cứu.

Nhưng chắc tôi không phải là người duy nhất? (phải không?)

…….

Ít ra tôi không còn nói xấu về những thứ mình không hiểu nữa. Chưa đạt đến mức “tôn trọng”, nhưng tôi dần biết, không phải cái gì trên đời này cũng sẽ xảy ra theo hướng mình muốn. Tôi nào đâu phải chúa trời mà có thể thông suốt hay kiểm soát mọi thứ.

Người ta thường ngại nói rằng họ “không hiểu”. Có lẽ họ sợ bị đánh giá. Nhưng không thể im lặng giữ sự khó chịu đó trong người mãi được, Vậy nên họ quay sang chỉ trích vấn đề đó.

Vậy nên, họ trở nên bức xúc khi thấy một bộ phim “khó hiểu”, một album nhạc “khó nghe”, một cuốn sách “khó ngấm”, một bức tranh trừu tượng “nhìn như con nít bôi bẩn”, một bài nhảy “như lên đồng”, một ai đó làm những hành động “không thể giải thích nổi” trước mặt họ. Họ bảo những thứ đó là “vớ vẩn”, là “ngớ ngẩn”, là “vô nghĩa”, là “chán chết”, là “dở ẹc” hoặc đưa ra những kết luận theo chiều hướng tiêu cực nhất… blah blah blah

Họ vội khẳng định bản chất của sự việc chỉ vì họ không thể nghĩ ra một ý niệm nào tốt đẹp trong đầu.

…….

Có lần tôi đi xem một bộ phim hơi “hàm lâm” một chút ở rạp. Chưa được nửa phim thì rạp chiếu bỗng ồn ào như ong vỡ tổ, người ra kẻ vào như đi chợ, tiếng khán giả than thở bực dọc, loáng thoáng như họ bảo “phim gì mà chán ngắt, xem có hiểu gì đâu”. Cứ thế tiếng động trong rạp át cả âm thanh của bộ phim.

Đến khi hết phim, tôi đứng lên quay lại đằng sau, chỉ còn không tới 1/4 lượng khán giả.

Tôi nghĩ, đó là một con số quá ít.

3 thoughts on “Chúng ta chẳng bao giờ tiến xa, vì chúng ta chưa học được cách tôn trọng những thứ mình không hiểu

  1. Đọc bài này làm tự dưng thấy vui vui, muốn cười lớn vì gặp người cũng giống mình. Mình cũng cực ghét mấy thứ liên quan đến tính toán :D.

    1. Ghét thì ghét thật, nhưng tưởng tượng ko có mấy thứ tính toán đó trên đời, thế giới sẽ đảo điên mất :))

Leave a comment