[Review phim] The Piano Teacher (2001) – quyền yêu và được yêu.

Kết quả hình ảnh cho The Piano Teacher

After all, love is built on banal things.

Michael Haneke cho rằng khán giả bật cười hoặc rùng mình khi thưởng thức những tác phẩm điện ảnh của ông vì 2 lý do sau: (1) họ cảm thấy ghê tởm (2) họ nhìn ra hình ảnh bản thân mình trong những thước phim ấy.

The Piano Teacher (2001) không phải là ngoại lệ: nó bàn về câu chuyện Tình Yêu của một người phụ nữ đam mê Khổ Dâm. Tình Yêu và Khổ Dâm. Tôi đoán trên đời không có nhiều thứ gần sát nhau mà lại đối nghịch như thế. Còn hơn cả nhưng cặp đôi: Bóng Tối và Ánh Sáng, Thiên Thần và Ác Quỷ, Đẹp Đẽ và Xấu Xí … Tình Yêu và Khổ Dâm đặt cạnh nhau toát nên sự nực cười, mỉa mai đầy chua chát.

…….

Theo quan điểm cá nhân tôi: cái khó nhất khi xem phim của Haneke là có thể cưỡng lại ham muốn bước vội đến kết luận cuối cùng trước khi lùi ra xa để nhìn thấy bức tranh tổng thể. Câu chuyện của The Piano Teacher (2001) càng về sau càng khiến chúng ta bị cuốn hút mạnh mẽ, nó làm người xem quên mất khởi nguồn của tất cả mọi thứ. Vậy đâu là điểm bắt đầu, đâu là nơi khiến Erika trở thành một người phụ nữ chỉ có thể sung sướng khi đau đớn. À phải rồi, hẳn đó là mẹ của cô.

Kết quả hình ảnh cho The Piano Teacher Annie Girardot

Ngay từ giây phút màn hình lóe sáng, bộ phim đã mang tới một cú shock cho khán giả khi chứng kiến mối quan hệ mẹ – con vô cùng xung khắc. Không chỉ bị quản thúc, Erika rõ ràng luôn nằm trong tình thế bị áp đặt – chỉ huy – thống trị bởi chính mẹ ruột. Thể chất và tinh thần cô bị giam cầm, bất kể là khi có mẹ bên cạnh hay bà đang ở một nơi khác. Vì sao bà lại làm thế với con gái mình? Tình mẫu tử? Sự thất vọng? Nỗi sợ cô đơn? Nhưng chẳng thể cứ thế mãi: (1) Erika không còn trẻ (2) bà không phải một người đàn ông.

Kết quả hình ảnh cho the piano teacher 2001

Thứ ảnh hưởng tiếp theo trong cuộc đời Erika chính là âm nhạc cổ điển. Trớ trêu làm sao, căn hộ của hai mẹ con không có cây đàn dương cầm nào, thậm chí chẳng bao giờ có tiếng nhạc, thay vào đó là những chương trình TV với thứ âm thanh ồn ào nhạt nhẽo. Chả mấy chốc người xem đã nhận ra âm nhạc (dù là của Robert Schumann hay Franz Schubert) cũng chỉ tựa như một màn tra tấn khác (ít ra là với Erika). Cô chơi dương cầm tuyệt hảo, cô là một giáo viên xuất chúng, nhưng không có một mảy may cảm xúc chứ đừng nói đến tình yêu ở đây. Cô là một người thầy, một người thợ chứ không phải một nghệ sỹ.

……. 

Có lẽ bạn đã nhận ra tôi rất thích dùng phương pháp liệt kê trong bài viết này (một trường hợp hiếm gặp, có lẽ?). Kỳ thực, The Piano Teacher (2001) là bộ phim cực kỳ logic (dưới góc nhìn của tôi). Nó không hề khó hiểu hay tỏ vẻ khó hiểu, ngược lại Michael Haneke còn xử lý câu chuyện của nhà văn đoạt giải Nobel – Elfriede Jelinek – theo cách không thể hợp lý hơn.

Khi khía cạnh tình dục trong bộ phim dần được hé lộ, khán giả bắt đầu tiếp cận gần hơn con người thật của Erika. Từ đó họ sẽ bàng hoàng, ghê tởm, kinh sợ và rồi lại cảm thông với cô. Tại sao chúng ta, nhưng kẻ “bình thường” có thể đồng cảm với một người phụ nữ Khổ Dâm? Vì gạt qua tất cả những đam mê xác thịt “quái gở” và “bệnh hoạn”, thứ cuối cùng mà Erika muốn là được yêu, được người khác chấp nhận cái bản chất mà cô vốn dĩ giấu kín. Vậy đấy, có gì khó hiểu đâu?

Kết quả hình ảnh cho the piano teacher 2001

Có lẽ người nhất quyết không nhìn vào vấn đề ở đây là Walter. Anh yêu Erika với sự ham muốn của người đàn ông độ tuổi đôi mươi sung mãn, khi tình dục đến như một nhu cầu tự nhiên (và ắt hẳn là dễ dàng vì anh ta đẹp trai, giàu có lại chẳng thiếu tài năng). Anh không hiểu vì sao cần “luật lệ” trong mối quan hệ giữa hai người. Anh ta phát điên khi tình cảm nhận lại từ Erika lại là thứ nằm ngoài mọi dự đoán. Walter chẳng hề biết rằng anh đã đem đến cho Erika một tia sáng hy vọng rồi cũng chính anh dập tắt nó.

Michael Haneke đã biến Khổ Dâm – Bạo Dâm (BDSM) trở thành một đề tài đậm chất thơ qua The Piano Teacher (2001). Mối quan hệ tình dục giữa kẻ thống trị và kẻ bị thống trị không còn bị đem ra phô diễn như yếu tố câu khách rẻ tiền, ngược lại, nó phản ảnh hoàn hảo cho sự phát triển tình cảm, nội tâm nhân vật.

Kết quả hình ảnh cho isabelle huppert the piano teacher gif

Đầu tiên Walter và Erika bị cuốn hút vào nhau bởi sự đối lập. Họ là biểu tượng của những điều tương phản: hy vọng – vô vọng, tự do – tù túng, khoe khoang – ẩn mình … Walter ham muốn chinh phục, Erika thầm mong được chinh phục. Erika đem bản thân của mình phơi bày giữa ánh sáng với toàn bộ sự chân thành, cô đặt ra những yêu cầu và mong Walter tuân theo, ác nghiệt thay, đó cũng là lúc mối quan hệ của cả hai bị phá hủy hoàn toàn. Sự cân bằng đã biến mất, thay vào đó là liên tiếp những xung đột dẫn tới tấn bi kịch sau chót.

Bằng diễn xuất tuyệt vời của Isabelle Huppert, Erika dường như đã trở thành một con người có thực. Khán giả sung sướng và đau đớn cùng cô. Bạn có thể tin là chỉ trong vọn vẹn 2 tiếng đồng hồ, Isabelle đã đưa chúng ta đi qua toàn bộ các sắc thái trên cuộc đời: từ ghen ghét, khinh bỉ, xa cách cho đến khụy gối van xin, hoàn toàn vô vọng? Nàng thơ của Michael Haneke dường như sinh ra là để đóng những bộ phim do ông làm đạo diễn. Cô từng xuất hiện ấn tượng trong nhiều tác phẩm của Hong Sang Soo hay Claude Chabrol, ấy thế mà Isabelle vẫn khiến tôi bất ngờ đến sửng sốt với vai diễn Erika. Mỗi hành động, cử chỉ của Isabelle dù là bộc phát hay có chủ đích đều tự nhiên đến khó tin, khiến người xem phải giật mình tự hỏi: chuyện đó đã thật sự xảy ra? Phải chăng ta nhìn nhầm? 

…….

Chung quy lại, tôi nghĩ trên đời này ai cũng có quyền yêu và được yêu, bất kể bản chất của họ như thế nào. The Piano Teacher (2001) của Michael Haneke giống như một tuyên ngôn cho luận điểm đó.

Dù cho niềm tin bị phản bội, thất bại, nhục nhã ê chề, thì đến cuối cùng chúng ta cũng phải tìm cho bản thân một lối thoát. Đó không phải sự trốn chạy mà là tín hiệu để nhận ra chẳng xứng đáng để gồng mình lên trước bao nhiêu gánh nặng khốn khổ kia.

Giống như những mảnh vỡ thủy tinh nhét sâu vào túi áo hay một nhát dao đâm vào ngực. Chúng thức tỉnh và giải phóng cho chúng ta được tự do.

Tự do để yêu và được yêu.


Trailer:

15 thoughts on “[Review phim] The Piano Teacher (2001) – quyền yêu và được yêu.

  1. Bài review rất hay. Rất công phu, đầy đam mê. Quyển sách này, bộ phim này ắt là khó quyến rủ độc giả hay khán giả, nhất là những độc giả hay khán giả chỉ thích thể loại giải trí nhẹ nhàng.

    1. Dạ vâng, cháu đoán chừng cũng sẽ không ít người không thích nổi phim này. Cô Tám đã xem Amour (2012) chưa ạ, cũng là một phim khác do Michael Haneke làm đạo diễn. Cháu đoán rằng cô sẽ thích.

      1. Tình cờ cô vừa mới xem phim “Amour”. Xem phim này thấy hơi giống chuyện vợ chồng nhà văn Trần Hoài Thư. Những người có tuổi ai cũng lo sợ bị bệnh như cô giáo dạy dương cầm trong phim Amour. Phim này cũng khó thích.

  2. góp ý 1 chút ạ: “vẻ đẹp” và “xấu xí” là 2 loại từ khác nhau, đặt đối lập như trong bài thì không đúng thì phải (hoặc nếu bạn có ý gì khác thì cho mình xin lỗi vì ko hiểu).

    quick question: list down your top 5 movies?

    1. Ồ, nếu dùng “Đẹp Đẽ vs Xấu Xí” thì có vẻ ổn hơn nhỉ, cảm ơn bạn đã nhắc X”D

      top 5 phim thì khó quá, chắc mình không trả lời được X”D

        1. cũng khó lắm ấy X”D

          bạn có thể xem qua list 100 phim (part 1) của mình tại đây: blacksnow308.wordpress.com/2017/03/02/gioi-thieu-phim-100-tac-pham-dien-anh-ma-toi-nghi-la-hay/

    1. cô Tám vậy đừng suy nghĩ về nó quá nhiều nhé, cũng chỉ là một bộ phim hư cấu thôi mà :”D

  3. Mình không hiểu lắm về phân cảnh Erika dùng dao đâm vào ngực và bỏ đi ở cuối phim.

    1. Xin lỗi bạn, lâu quá rồi mình mới check notice WP.

      Về điều bạn nói, mình thấy cũng khó nói ra ngọn ngành.

      “Một cơn đau cuối cùng”, có lẽ thế chăng?

  4. Bài viết hay quá. Mình sẽ tìm xem lại phim này. Lần đầu xem đã từ rất lâu nhưng khi ấu mình còn trẻ quá, chưa hiểu hết tầng nghĩa của phim. Sau này lớn mới thấy đồng cảm sâu sắc bằng việc đôi lúc nhớ lại và giờ là đọc thêm review của bạn!
    Ai cũng sẽ xứng đáng được yêu thôi nhỉ! Happy new year 2023 nhé!

Leave a comment