[Review phim] Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023) – màn ảo thuật đẹp, nhưng vụng

Lưu ý: bài viết có tiết lộ trước nội dung phim.

Phải làm rõ điều này: tôi nghĩ Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023) là một phim đầu tay ổn, tuy nhiên sẽ không công bằng nếu chỉ vì là phim đầu tay, mà chúng ta bỏ qua tất cả những khiếm khyết nó vốn dĩ sở hữu, và rồi ca tụng bằng các ngôn từ có vẻ to tát lẫn sáo rỗng.

Nếu muốn hiểu thêm về ý nghĩa của tác phẩm điện ảnh này, bạn có thể tìm đọc, xem những bài phỏng vấn của đạo diễn Phạm Thiên Ân (mặc dù tôi chưa đọc & xem chúng, những tôi đoán rằng anh sẽ không đưa ra phần trả lời quá chi tiết). Còn nếu muốn gán ghép cho nó những đặc điểm tốt / tệ, đưa nó vào một danh mục những siêu phẩm điện ảnh tạo nên lịch sử / những bộ phim khó hiểu tốn thời gian, thì tôi nghĩ các bài viết trên báo chí và mạng xã hội của các “chuyên gia” cũng là quá đủ rồi.

Những gì tôi sắp nói ở đây, đơn thuần là những gì bản thân tôi nghĩ rằng là đủ thú vị khi nói về Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023): một phim đầu tay ổn.

…….

Đầu tiên, phải nói là hơi buồn cười khi đội ngũ truyền thông của đơn vị phát hành bộ phim tại Việt Nam chọn keyword “slow cinema” cho chiến dịch quảng bá Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023). Việc gần như cả bộ phim 3 tiếng đồng hồ này đều sử dụng góc máy quay tĩnh & những cú long takes, không khiến nó trở thành một bộ “phim chậm”. Ngược lại, kể câu chuyện kéo dài tầm hơn 1 tuần lễ, với khá nhiều sự thay đổi trong bối cảnh (thành thị, nông thôn – nội cảnh, ngoại cảnh) cùng các tình tiết / nhân vật mới lần lượt xuất hiện và biến mất, thì việc Phạm Thiên Ân chọn triển khai nó theo một cách hơi “lê thê” lại là hợp lý. Nói cách khác, bộ phim này cần nhiều thời gian để truyền tải hết những gì đạo diễn kiêm biên kịch muốn, dẫn đến chuyện thời lượng của nó bị kéo dài hơn bình thường chút đỉnh, còn vốn dĩ tốc độ câu chuyện không hề bị “hãm lại” và gây ra cảm giác “chậm”.

Đương nhiên sẽ là khập khiễng nếu so sánh với những tác phẩm của Andrei Tarkovsky, Thái Minh Lượng hay Apichatpong Weerasethakul, nhưng tôi nghĩ cái gì không hợp lý thì nên chỉ ra, bởi lẽ trái với các bộ phim đến từ những cái tên kể trên vốn dĩ được làm “chậm” một cách cố tình để bắt khán giả phải cảm nhận được thời gian đang trôi qua; Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023) “không nhanh” đơn giản vì nó không thể “nhanh” (theo một lẽ hiển nhiên, như tôi đã đề cập).


Vậy nếu không phải “slow cinema” thì đâu sẽ là keyword phù hợp cho tác phẩm này? Câu trả lời đơn giản (và có lẽ hơi khó để chạy chiến dịch truyền thông cho phim đạt giải thưởng hàn lâm nào đó) đến mức hiển nhiên: Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023) là một road trip movie đúng nghĩa, nơi Phạm Thiên Ân đã khá vững tay lái trong 2/3 chặng đường của nó.

Vâng, road trip movie thôi, có làm sao đâu?

Như Little Miss Sunshine (2006), Broken Flowers (2005), Y Tu Mamá También (2001) hay Paris, Texas (1984) thôi, có làm sao đâu?

Cũng như các nhân vật trong những bộ phim tôi vừa nêu tên, Thiện (với diễn xuất của Lê Phong Vũ) bước vào một cuộc hành trình anh chưa hề có sự chuẩn bị, khi đưa thi thể chị dâu về quê chôn cất sau vụ tai nạn giao thông, và cùng lúc đó phải chăm sóc, cũng như tìm cách trả lời những câu hỏi ngây ngô mà đứa con trai 5 tuổi của cô đặt ra. Cuộc hành trình đó khiến anh ta phải nhìn lại, tự vấn bản thân về ý nghĩa thật sự của cuộc đời và đức tin trong chính mình.


Có hai chi tiết tôi khá thích khi xem Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023), đó là lúc nhân vật Thiện dùng những trò ảo thuật để đánh lừa sự chú ý của đứa cháu trai 5 tuổi khi nó bắt đầu hỏi những điều anh không biết / không muốn trả lời. Tôi chả rõ đó có phải là chủ ý của Phạm Thiên Ân, nhưng kỳ thực nó đã giúp tôi hiểu rằng: mọi thứ đang được phơi bày và tập trung thể hiện trên màn ảnh không quan trọng, bởi lẽ câu chuyện thật sự của bộ phim đang diễn ra ở một nơi khác. Có thể là ở quá khứ, hiện tại, tương lai, hay ẩn sâu bên trong các nhân vật, nhưng câu chuyện của bộ phim khi ấy không nằm trên màn ảnh.

Nếu khán giả chỉ cố tập trung nhìn hành động, nghe nhân vật nói chuyện và phân tích những tình tiết chắp vá, thứ họ nhận được sẽ chỉ là sự bất ngờ (kèm theo cảm xúc tích cực / tiêu cực) trước những lá bài ngẫu nhiên xuất hiện từ thinh không.

Nếu khán giả để mắt, tai & tâm trí trượt khỏi nhân vật chính, khám phá những thứ bên lề, ví dụ như cảnh vật huyên náo và xô bồ của thành phố đối lập với sự tĩnh lặng – cô quạnh đến nghẹt thở của làng quê, hay đơn giản là những cuốn kinh xếp ngay ngắn trên ghế sau giờ làm lễ hoặc những tấm bằng khen cũ kỹ treo liền kề bên nhau trên tường nhà, thì họ (hay ít ra là bản thân tôi) cũng sẽ được thỏa mãn trước sự tò mò về Thiện dưới góc độ một người xa lạ. Anh là ai, đây là đâu, vấn đề chúng ta đang nói đến là gì?

Đừng chỉ “nhìn” lên màn ảnh, vì câu chuyện của bộ phim không nằm ở đấy.


Đó cũng là lúc tốc độ từ tốn của những cú long take đẹp mắt mà Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023) sở hữu phát huy hết điểm mạnh của nó. Người xem không việc gì phải vội, họ có thể ngắm những bụi hoa bên đường, nhẩn nha tìm kiếm những khung cảnh quen thuộc hay thậm chí nhắm mắt lại trong vài giây để nghe tiếng mưa rơi.

……

Tuy nhiên, nếu thế thì tác phẩm điện ảnh này chỉ có thể làm hài lòng những khán giả đi xem phim để thỏa mãn mưu cầu về mặt thẩm mỹ, hoặc đã đặt sẵn những ý nghĩa cho nó trong đầu họ.

Bởi lẽ cách xử lý của Phạm Thiên Ân chỉ có tác dụng trong 2/3 đầu của bộ phim. Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023) càng về sau càng đuối sức khi cố đưa người xem đến một cái kết thúc vụng về bị đặt sai thời điểm.

Khán giả yêu các road trip movie, bởi lẽ khi bộ phim kết thúc, cũng chính là điểm mở đầu cho cuộc hành trình thật sự của các nhân vật của nó. Tất cả những gì đã xảy ra trước “phút 89” không còn quan trọng, vì cuối cùng mọi thứ chỉ mới bắt đầu, những câu hỏi chỉ mới được gợi mở và chúng ta làm sao biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo cho những con người đáng (yêu) thương ấy.

Không ai đi xem road trip movie với ý nghĩ hoang đường rằng “tôi sẽ phải được chứng kiến kết thúc cuối cùng của câu chuyện này”, đơn giản bởi lẽ đó là chuyện không thể. Hành trình cuộc đời các nhân vật sẽ còn được kéo dài mãi mãi và bộ phim chỉ là cho phép chúng ta cùng đồng hành một đoạn mà thôi.

Trong trường hợp của Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023), đặc biệt là khi đã chọn một chủ đề vĩ mô được đặt dưới góc nhìn vi mô của Thiện và những vấn đề anh ta gặp phải, thì việc kéo dài bộ phim tới 3 tiếng, 4 tiếng hay thậm chí là 10 tiếng (và chẳng ai cấm Phạm Thiên Ân làm chuyện đó) cũng không thể thay đổi được điều gì. Thậm chí nó còn khiến những nhược điểm của diễn xuất, kịch bản và lời thoại thiếu tự nhiên ngày một rõ ràng: khi giờ đây lớp sương mù đã tan biến, khán giả không thể tiếp tục “nhìn sang chỗ khác” khi con người, vấn đề và câu hỏi mà Thiên cần tìm câu trả lời đã rõ ràng dưới ánh nắng mặt trời.

Mất đi tính bí ẩn, câu chuyện về “tự vấn bản thân về ý nghĩa thật sự của cuộc đời và đức tin trong chính mình” không đủ lý do và không có khả năng kéo người xem đi nốt 1/3 thời lượng phim còn lại, dù Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023) cố đưa thêm nhiều nhân vật và những hội thoại mới để làm “dày” nội dung. Thậm chí, nó dần dần khiến người xem nhận ra tác phẩm điện ảnh này vẫn chưa đi quá xa khỏi Phạm Thiên Ân thời làm phim ngắn đầu tay Hãy Thức Tỉnh Và Sẵn Sàng (2019), nơi anh vẫn còn hoay loay cân bằng giữa tính cá nhân và cảm xúc người xem sẽ nhận được khi màn hình vụt tắt sau cảnh quay cuối cùng.

Với tôi, xét cho cùng, làm sao tôi có thể được thuyết phục rằng câu chuyện của Thiên hấp dẫn hơn việc: tôi sau khi rời khỏi rạp phim sẽ về nhà, làm món cơm rang dưa bò và uống một ly cola mát lạnh ngon lành như thế nào. Tôi cũng có road trip của tôi để trả lời những câu hỏi tương tự, và tôi không muốn mất thời gian đồng hành cùng Thiên thêm nữa, khi điểm đến của tôi và nhân vật này đã rõ ràng không nằm cùng một hướng, chỉ đơn giản thế thôi.

…….

Chúng ta yêu nghệ thuật, bởi vì chúng ta cần được thử thách.

Đó có thể là thử thách về nhận thức, tính hài hước, tầm hiểu biết hay đơn giản là khả năng nhìn thấu chính mình.

Trong trường hợp của Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023) tôi hy vọng nó sẽ / đã có thể giúp thử thách ít nhiều khán giả trước một cách làm phim “hơi” mới mẻ tại Việt Nam (vì chưa có những chiến dịch truyền thông phù hợp).

Dù sao cũng là một bộ phim đầu tay ổn của một đạo diễn trẻ Việt Nam, có lý do gì để chúng ta không ủng hộ nó chứ?


Trailer:

Leave a comment